Tìm hiểu về nghe kém ở trẻ em

Nghe kém là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh. Nghe kém có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), có khoảng 5% dân số, tương đương với 360 triệu người trên toàn thế giới bị nghe kém, trong đó có 32 triệu trẻ em. Chúng ta biết rằng ảnh hưởng của nghe kém phụ thuộc rất lớn vào lứa tuổi mắc bệnh của trẻ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị nghe kém sẽ không giao tiếp được, không học được từ những âm thanh xung quanh, kết quả là trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống. Trầm trọng hơn, trẻ sẽ trở thành tàn tật vĩnh viễn. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho trẻ cơ hội lớn trong việc hồi phục khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giúp trẻ học tập, hòa nhập cộng đồng và giảm gánh nặng cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội.

Một trong những ảnh hưởng của nghe kém tới chức năng của con người đó là khả năng giao tiếp với những người khác. Những trẻ bị nghe kém nặng và điếc thường không phát triển ngôn ngữ, lời nói như những trẻ bình thường khác. Nghe kém và các bệnh về tai như viêm tai giữa còn gây ảnh hưởng nặng nề tới khả năng học tập của trẻ. Các nghiên cứu về nghe kém ở trẻ em tiểu học đã cho thấy có mối tương quan giữa nghe kém tới việc học kém ở những trẻ em này.

Những người nghe kém nặng thường không được tham gia, hòa nhập một cách thoải mái vào các hoạt động xã hội. Đôi khi họ còn bị loại ra khỏi những hoạt động cộng đồng do có những quan điểm nghe kém hoặc điếc là không thể làm những việc như những người bình thường khác. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý cũng như xã hội cho những người bị vấn đề này.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng có 1.7% trẻ dưới 15 tuổi bị nghe kém ở các mức độ khác nhau, tương đương với 32 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Nam Á là khu vực có trẻ bị nghe kém cao nhất thế giới (2.4%), tiếp theo đó là khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% trẻ dưới 15 tuổi bị nghe kém. Các nước thu nhập cao có tỷ lệ nghe kém thấp nhất chỉ với 0.4% trẻ bị nghe kém.

Tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2003 cả nước có 662 ngàn trẻ từ 0-18 tuổi bị khuyết tật, chiếm 2.4%. Trong đó, rối loạn thần kinh và khiếm thính là loại khuyết tật phổ biến thứ hai, chiếm 17%, sau khuyết tật vận động (29%).

Theo báo cáo Người khuyết tật ở Việt Nam 2009, khuyết tật về nghe có khoảng 3 triệu lượt người (chiếm 3.8% dân số). Trong đó, trẻ em từ 5 – 15 tuổi chiếm 0.5 %, tỷ lệ ở nam cao hơn nữ.